Với kỷ lục hơn 400 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024, Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều thuận lợi. Bộ Công Thương nhận định, lạm phát giảm ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc, cùng với việc các FTA ngày càng phát huy tác dụng, sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngay từ đầu năm 2025, các doanh nghiệp xuất khẩu tại nhiều lĩnh vực đã bắt đầu tăng tốc. Trong ngành dệt may, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II. Để đảm bảo tiến độ giao hàng trước Tết Nguyên đán, nhiều công ty đã sắp xếp tăng ca, gia tăng sản xuất.
Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ hiệp định FTA. (Ảnh minh họa)
Ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để đạt được mục tiêu này, ngành cần tập trung vào chất lượng, giá cả, và khả năng ứng biến nhanh chóng với các yêu cầu từ thị trường.
Trong lĩnh vực nông sản và chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng cơ hội. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất.
Trả lời VTV Times, ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food, cho biết: "Chúng tôi đang tăng công suất lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Kế hoạch không chỉ áp dụng trong năm 2025 mà còn duy trì tăng trưởng 30% mỗi năm trong giai đoạn tiếp theo."
Bộ Công Thương nhận định, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản – vốn là nền tảng trong xuất khẩu – sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa trong năm 2025, nhờ vào sự ổn định của thị trường và các điều kiện thuận lợi từ chính sách thương mại.
Với những tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm, xuất khẩu tiếp tục được coi là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Chính phủ và các doanh nghiệp đều đang nỗ lực tối đa để tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường và củng cố vị thế trên bản đồ thương mại quốc tế./.
Sau nhiều năm chờ đợi, hôm nay (5/5), hệ thống công nghệ thông tin mới KRX cho thị trường chứng khoán chính thức đi vào vận hành.