Tháng 12 năm ngoái, Honda và Nissan tuyên bố đang tiến hành đàm phán để hợp nhất thành một công ty mẹ chung, dự kiến triển khai vào năm 2026. Tuy nhiên, thay vì công bố chi tiết kế hoạch sáp nhập như dự kiến, hai hãng xe Nhật Bản đã quyết định lùi thời gian thông báo đến giữa tháng 2.
Theo cựu Giám đốc Nissan và Renault, ông Carlos Ghosn, sự tham gia của Honda vào quá trình đàm phán sáp nhập có thể không hoàn toàn là tự nguyện. Ông nhận định Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang gây sức ép để Honda phải đồng ý sáp nhập nhằm hỗ trợ Nissan vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Honda, ông Toshihiro Mibe, khẳng định nếu thương vụ này diễn ra, Nissan cần chứng minh được khả năng tự xoay chuyển tình thế, cả về tài chính lẫn hoạt động kinh doanh.
Nissan chật vật tái cấu trúc, Honda vẫn hoài nghi
Theo các nguồn tin thân cận, Honda muốn có thêm thời gian để đánh giá các biện pháp tái cấu trúc của Nissan trước khi tiến hành các bước tiếp theo.
Mitsubishi vẫn muốn hoạt động độc lập dù đã cân nhắc hợp tác với Honda và Nissan. (Ảnh minh họa)
Vào tháng 11/2024, Nissan đã công bố kế hoạch cắt giảm 9.000 nhân sự trên toàn cầu, đồng thời giảm 20% công suất sản xuất nhằm đối phó với tình trạng lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Hãng xe này cũng đang triển khai chương trình nghỉ hưu sớm cho nhân viên tại ba nhà máy ở Mỹ và cắt giảm lao động tại Thái Lan để tiết giảm chi phí.
Dù vậy, những động thái trên vẫn chưa đủ để thuyết phục Honda. Theo Kyodo News, Honda cho rằng Nissan cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn trong việc tái cấu trúc và cải thiện hiệu quả hoạt động trước khi tiến tới sáp nhập.
Mitsubishi ưu tiên hợp tác hơn là sáp nhập
Về phía Mitsubishi, hãng xe này từng cân nhắc tham gia vào công ty mẹ chung với Honda và Nissan nhưng hiện tại dường như không còn quá mặn mà với ý tưởng này. Thay vào đó, Mitsubishi muốn tiếp tục hoạt động độc lập dưới danh nghĩa một công ty niêm yết và chỉ tập trung vào các hình thức hợp tác giới hạn với hai hãng xe còn lại trong tương lai.
Theo các nguồn tin nội bộ, Mitsubishi dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào giữa tháng 2 hoặc muộn hơn.
Nếu muốn hoàn tất thương vụ sáp nhập vào tháng 8/2026, Nissan cần tạo ra lợi nhuận khoảng 400 tỷ yên (tương đương 2,6 tỷ USD) trong năm tài chính 2026. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ đầy thách thức khi lợi nhuận hoạt động của hãng đã lao dốc từ 336,7 tỷ yên (2,3 tỷ USD) xuống chỉ còn 32,9 tỷ yên (225 triệu USD).
Thậm chí, thu nhập ròng của Nissan trong nửa đầu năm tài chính 2024 đã giảm tới 93,5%, từ 296,2 tỷ yên (2,02 tỷ USD) xuống chỉ còn 19,2 tỷ yên (131 triệu USD).
Với tình hình tài chính bấp bênh và những hoài nghi từ Honda, thương vụ sáp nhập giữa hai hãng xe này vẫn còn nhiều rào cản trước mắt. Trong khi đó, Mitsubishi dường như đã xác định con đường riêng, ưu tiên hợp tác thay vì trở thành một phần của công ty mẹ chung.
Chiều 26/3, tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, Tập đoàn Thành Công tổ chức Lễ khánh thành Dự án Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng. Đây là nhà máy sản xuất ô tô Skoda đầu tiên tại Đông Nam Á, đánh dấu bước chuyển mới của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh.